Bối cảnh thu âm và phát hành Tổ quốc gọi tên mình (bài hát)

Bối cảnh thu âm

Những ngày tháng 6-2011, tàu Bình Minh 2 bị tàu Trung Quốc cắt cáp khi đang khảo sát địa chấn trên thềm lục địa của Việt Nam. Hòa chung tâm trạng và suy nghĩ về trách nhiệm của văn nghệ sĩ trước thời cuộc, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai đã mang theo nỗi niềm đau đáu trên chuyến bay từ Việt Nam sang châu Âu và sáng tác bài thơ khi máy bay cất cánh rời Hà Nội. Bài thơ đã được in trên báo Hà Nội mới ngày 26/6/2011, sau đó được đăng tải trên mạng Vietnamnet vào ngày 27/6/2011[2].

Tranh cãi về quyền tác giả bài thơ (lời bài hát)

Tháng 10/2015, anh Ngô Xuân Phúc, bộ đội phục viên ở thành phố Vinh, Nghệ An tự nhận 'Tổ quốc gọi tên' là sáng tác của anh, trong khi đông đảo mọi người đã biết Nguyễn Phan Quế Mai là tác giả bài thơ.[3] Anh Phúc cho rằng mình đã sáng tác bài thơ từ năm 2008 và đã công bố trên mạng xã hội từ năm 2008 tuy nhiên các chuyên gia công nghệ thông tin dùng nhiều công cụ điều tra độc lập nhưng không tìm được dấu vết của bài thơ nào tương tự như bài thơ "Tổ quốc gọi tên" trước khi Nguyễn Phan Quế Mai công bố bài thơ của chị.[4]

Có nhân chứng xác nhận rằng đã đọc bài thơ trên, tác giả là nam, là một người lính: nhà thơ Bàng Ái Thơ, con gái của nhà thơ - họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên, cháu gái nhà thơ Bàng Bá Lân đọc được tháng 04/2011 và tên bài thơ lúc bà đọc là "Tôi nghe Tổ quốc gọi tên".[5] và thầy Nguyễn Văn Nội (công tác tại Phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) đã đọc vào năm 2008 - 2009[6]. Tuy nhiên, cả hai người đều không đưa ra được bằng chứng nào ngoài những lời phát ngôn.[7]

Ngày 20/10/2015, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai viết thư ngỏ tới báo chí lần hai, xác nhận chị sẽ không kiện anh Ngô Xuân Phúc (Trước đó, trong thư ngỏ báo chí lần thứ nhất, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai cho biết chị sẽ kiện anh Ngô Xuân Phúc ra tòa nếu như anh Phúc không chính thức xin lỗi chị trước ngày 10/10). Trước phản ứng bất ngờ của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai, anh Ngô Xuân Phúc vẫn khẳng định mình là tác giả của bài thơ. Anh không bình luận gì nhưng "tôi chỉ tiếc một điều nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai vẫn chưa chịu thừa nhận bài thơ đó là của tôi. Tôi tin với thời gian chị Nguyễn Phan Quế Mai sẽ thay đổi và trả bài thơ về chính chủ!".[8]

Nhà báo Mặc Lâm, sau khi đọc và phân tích những bài thơ của Ngô Xuân Phúc, đã kết luận "Khó có thể nói anh là tác giả của 'Tổ quốc gọi tên' và còn khó hơn nếu cố chứng minh anh từng làm bài thơ này trong một lúc ngẫu hứng với tâm trạng sôi nổi của một thanh niên yêu nước".[9]

Theo khẳng định của các luật sư trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, Luật Sở hữu Trí tuệ nêu rõ tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật phải được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định. Việc anh Phúc nói rằng đã từng viết một bài thơ như thế hoặc ai đó cho rằng họ nhớ đã đọc bài thơ đó không phải là những bằng chứng có ý nghĩa pháp lý.[10]

Phát hành

Khi bài thơ được công bố vào tháng 6/2011, tuy chưa có dịp gặp nhau nhưng nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn đã liên hệ Nguyễn Phan Quế Mai xin được phổ nhạc. Cảm xúc tuôn trào ra nên nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn viết chỉ chừng 20 phút là xong ca khúc[11]. Khi phổ thơ thành ca khúc Tổ quốc gọi tên mình, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn đã bỏ bớt nhiều câu trong bài thơ cho phù hợp với giai điệu nhưng vẫn " hiểu được cảm xúc cũng như thông điệp hoà bình sâu thẳm mà tôi đã gửi gắm trong từng câu thơ của mình" - Nguyễn Phan Quế Mai thổ lộ[1]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tổ quốc gọi tên mình (bài hát) http://www.nguyenphanquemai.com/vi/gi%E1%BB%9Bi-th... http://www.rfa.org/vietnamese/programs/LiteratureA... http://cand.com.vn/Tieu-diem-van-hoa/Tiet-lo-dong-... http://cand.com.vn/van-hoa/Nha-tho-Nguyen-Phan-Que... http://m.cand.com.vn/van-hoa/To-quoc-goi-ten-minh-... http://dantri.com.vn/van-hoa/nha-tho-nguyen-phan-q... http://dantri.com.vn/van-hoa/toa-co-xu-duoc-an-tho... http://dantri.com.vn/van-hoa/tranh-chap-ban-quyen-... http://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/nguyen-phan-que... http://www.sggp.org.vn/vanhoavannghe/2015/10/39996...